Đại Thế Chí Bồ Tát là ai?

Nội dung chính [Hiện]

Đại Thế Chí Bồ Tát là vị Bồ Tát được biết đến nhiều trong Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là với trường phái Tịnh Độ Tông. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được thân thế của Ngài là ai, sự tích về cuộc đời Ngài hay ý nghĩa của cái tên này là gì? Trong bài viết dưới đây, Tử Vi Hội Quán sẽ chia sẻ những thông tin chi tiết nhất về vị Bồ Tát này.

Đại Thế Chí Bồ Tát là ai?

Đại Thế Chí Bồ Tát còn có những tên gọi khác như Đắc Đại Thế Bồ Tát, Vô Lượng Quang Bồ Tát, Linh Cát Bồ Tát... và nhiều lúc được gọi ngắn gọn là Thế Chí. Ngài là một trong những vị Bồ Tát cao cấp của Phật giáo Đại Thừa và được người đời vô cùng kính trọng và tôn sùng. Đại Thế Chí Bồ Tát đã xuất hiện từ rất lâu đời và có nhiều quyền lực tối cao. Đặc biệt, trong trường phái Tịnh Độ, Ngài giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chúng sanh về cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc.

Trong Tây Phương Tam Thánh, Ngài đứng bên phải Đức Phật A Di Đà, cổ đeo chuỗi anh lạc và tay cầm hoa sen xanh. Hoa sen xanh tượng trưng cho sự thanh tịnh, dùng trí tuệ để dứt khỏi phiền não vô minh và cứu vớt chúng sinh ra khỏi vũng bùn ác trược, giống như đóa sen vươn mình lên cao "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"

Đại Thế Chí bồ tát

Sự tích Đại Thế Chí Bồ Tát

Thửa xa xưa ở thế giới Vô Lượng Đức Tựu An Lạc có Đức Phật hiệu Kim Quang Sư Tử Du Hỷ thị hiện để hóa độ chúng sanh. Lúc bấy giờ trong nước đó có ông vua hiệu là Oai Đức chuyên dùng chánh pháp để trị dân nên được gọi là Pháp Vương. Vị vua này rất kính thờ Phật Kim Quang Sư Tử Du Hỷ. Một hôm, nhà vua ngồi tọa thiền Tam muội đến khi xuất định thì thấy hai hoa sen mọc ở hai bên tả hữu và trong mỗi hoa sen có mỗi đồng tử. Nhà vua cùng hai đồng tử cùng đến chổ Phật để nghe pháp. Vua Oai Đức đó là tiền thân của Phật Thích Ca và hai vị đồng tử chính là Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí.

Lại một thủa khác, Bồ Tát Đại Thế Chí khi chưa xuất gia học đạo, thì Ngài chính là con thứ hai của vua Vô Tránh Niệm tên là Ni Ma Thái Tử. Ngài vâng lời phụ vương phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh. Những hạnh tu mà Ngài chú tâm là:

– Ba nghiệp của thân: Không sát hại chúng sanh, không trộm cướp của người và không tà dâm.

– Bốn nghiệp của miệng: Không nói láo xược, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều và không nói lời độc ác.

– Ba nghiệp của ý: Không tham nhiễm danh lợi và sắc dục, không hờn giận oán cừu và không si mê ám muội, cùng các món hạnh tu thanh tịnh mà hồi hướng về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và cầu đặng một thế giới trang nghiêm đẹp đẽ, như cõi Phật Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai.

Đại Thế Chí Bồ Tát sử dụng ánh sáng trí tuệ để soi sáng thế gian và hiến cho chúng sanh trong ba đường ác được siêu độ, giải thoát.

Đồng thời, ngài vẫn tiếp tục tu Bồ Tát Đạo cũng như làm việc Phật sự, dạy dỗ cho người đời, làm những việc giúp ích cho các loài hữu tình nhằm mục đích cầu mau đặng hoàn mãn những món công hạnh mà ngài đã thệ nguyện.

Đến khi đức Phật Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai diệt độ thì Ni Ma cũng đã thành đạo và ngài tiếp tục kế ngôi của Phật để có thể truyền chánh pháp cũng như hóa độ cho chúng sinh.

Phật Bảo Tạng sau khi nghe được những lời này của Ni Ma thì đã thọ ký rằng: “ Theo như lòng của người mong muốn có một thế giới rộng lớn và trang nghiêm thì qua đời vị lai, sau khi trải qua hằng hà sa kiếp người sẽ có được những tâm nguyện ấy. Với tâm nguyện lớn như vậy người sẽ được đặt danh hiệu là Đắc Đại Thế hay còn gọi là Đại Thế Chí Bồ Tát. Sau khi Phất Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai nhập niết bàn thì người sẽ được bổ làm Phật và đặt danh hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Như Lai, kế tiếp ra đời để độ hóa mọi chúng sinh”.

Khi Ni Ma nghe được những lời này của Phật Bảo Tạng cũng đã đáp lại rằng “ Thưa Bạch Đức Thế Tôn, nếu như tâm nguyện của tôi có thể trở thành, tôi xin kính ngài hãy làm cho thế gian đều vang động và ở giữa hư không hãy làm cho xuất hiện hoa thơm và cầu cho đức Phật ở mười Phương cũng thọ ký cho tôi như vậy”.

Sau khi thái tử Ni Ma dứt lời và cúi lạy Phật thì mọi vật trên đời tự nhiên rung chuyển và phát ra những âm thanh vang rền cả đất trời, đồng thời các loài hoa thơm tho và đẹp đẽ cũng đột nhiên rơi xuống nhân gian như mưa trong hư không.

Cùng thời điểm đó, đức Phật mười phương cũng đã thọ ký rằng “Tại cõi Tán đề lam, có người đệ tử của Phật Bảo Tạng Như Lai tên Ni Ma, con thứ hai của đời vua Vô Tránh Niệm, đã có phát tâm cúng dường Phật và đại chúng qua 3 tháng, đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thường Bồ Đề và nguyện đặng ở cõi thế giới trang nghiêm”.

Sau khi nhận được những thọ ký ở trên, Ni Ma cảm thấy rất phấn khởi và Ngài ngày càng siêng năng rèn luyện hơn về những điều mà mình đã thệ nguyện. Kể từ đó trở đi, Ni Ma đã đầu thai ra kiếp đời khác, tuy nhiên dù cho ở kiếp nào đi chăng nữa, Ngài vẫn giữ được bốn nguyện, quyết tâm trong tu hành, học đạo Đại Thừa, làm hạnh Bồ Tát và không ngừng mở mang trí tuệ cho chúng sanh. Bên cạnh đó, Ngài còn làm những điều nhiễu ích, đặng dìu dắt cho các loài thoát ra khỏi được sông mê và sớm được giác ngộ

Ý nghĩa, hình tượng Đại Thế Chí Bồ Tát

Theo một số ghi chép trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Bồ Tát Đại Thế Chí là đại diện của trí tuệ, ngài dùng ánh sáng trí tuệ phổ chiếu hết thảy, giúp mọi chúng sinh rời xa cõi ác. Và khi ngài di chuyển, thế giới thập phương như trải qua cơn địa chấn cho nên được gọi là Đại Thế Chí.

Ngài đã dùng pháp môn Niệm Phật Tam muội để tự tu và hóa đô chúng sanh. Trong hội Lăng Nghiêm, Đức Phật Thích Ca hỏi chỗ sở tu sở đắc của các vị A-la-hán và Bồ tát, thì ngài trả lời rằng: “Thời Đức Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con niệm Phật Tam muội…Nhơn địa xưa của con dùng tâm niệm Phật nhập vô sanh nhẫn. Nay ở thế gian nầy, con tiếp độ người niệm Phật về Tịnh độ”. Đức Quán Thế Âm dùng lòng từ bi lắng nghe tiếng đau khổ đến cứu độ chúng sinh, còn Bồ Tát Đại Thế Chí dùng ánh sáng trí tuệ soi đường cho chúng sinh được giải thoát.

Ngài đứng bên tay phải cùng với đức Quán Thế Âm trở thành thị giả của đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cả ba vị tạo thành Tây Phương Tam Thánh mà chúng ta vẫn kính thờ mỗi ngày. Quán Thế Âm thì tượng trưng cho từ bi, còn Đại Thế Chí thì tượng trưng cho trí tuệ. Để trở thành Phật, nhất định phải có hai yếu tố này, từ bi và trí tuệ.

Còn trong phong thủy thì ngài Bồ Tát Đại Thế Chí được xem là bản mệnh của người tuổi Ngọ. Thờ tượng Ngài giúp người tuổi Ngọ gặp hung hóa cát, muôn sự bình an, cát tường như ý, phát huy được những trí tuệ của bản thân.