Quan Hoàng Chín Cờn Môn Là Ai? Sự Tích Và Đền Thờ Ông Ở Đâu

Nội dung chính [Hiện]

Quan Hoàng Chín Cờn Môn hay còn gọi là Ông Chín Cờn, ngài là con đức Vua Cha Bát Hải. Là vị thánh hoàng thứ chín trong hàng Thập vị Thánh Hoàng. Ngài đứng trước Quan Hoàng Mười và đứng sau Quan Hoàng Tám Bát Nùng. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài gắn liền với địa danh cửa Cờn (Nghệ An), cũng chính vì thế nhân dân còn gọi là Ông Cờn Môn nổi danh thanh liêm, cứu dân, giúp nước và luôn trợ người hữu duyên.

Hương một triện lòng thành dâng tiến
Cung thỉnh mời Ông Chín Cờn Môn
Khâm thừa thượng đế chí tôn
Sai Quan Hoàng Chín Cờn Môn giáng trần

Sự tích Quan Hoàng Chín Cờn Môn

Lưu truyền rằng lúc sinh thời, ngài sống ở Nghệ An, lúc bấy giờ là thời Lý và đi thi nhiều lần nhưng không đỗ đạt. Sau đó, ông xuống tóc và ra cửa biển Cờn lập am miếu tu trì cứu vớt người đi biển. Đồng thời, đây cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi của tàu thuyền qua lại. Tôn truyền, ông là người vớt và chôn cất cẩn thận thân y Thái Tử Nam Tống trong trận đánh với quân Nguyên. Có tài liệu cho rằng, ngài cứu sống ba mẹ con Mẫu Cờn (Thái Hậu Dương Quý Phi). Khi đó, nếu nộp họ cho quan thì sẽ phải làm nô tì, còn để họ lang thang vất vưởng ngoài kia thì sẽ gặp đau khổ. Chi bằng tục huyền lấy họ để nương tựa lẫn nhau nhưng ngài lại bị cự tuyệt, buồn chán dẫn đến quyên sinh.

Quan Hoàng Chín

Sau khi ngài hóa, Mẫu đọc di thư ngài để lại và hiểu rõ được sự việc nên quyết định ra biển Cờn thác hóa. Hai người con cũng theo mẹ ra biển và cũng hóa tại đây. (Cũng có tài liệu ghi chép rằng vào thời nhà Tống, khi quân Tống suy yếu trước quân Nguyên, Thái hậu Dương Quý Phi cùng ba công chúa chạy ra biển, chợt bão nổi bị chết đuối, xác trôi dạt vào cửa Cờn và được lập đền thờ). Sau sự việc này, thuyền bè qua lại qua cửa Cờn đều được chở che, bình an vượt qua sóng bão. Nhân dân địa phương nhận thấy sự anh linh này, liền lập đền thờ 3 mẹ con Mẫu ở lạch Cờn và Hoàng đế Tống Đế Bính ở trên đỉnh núi, đền thờ ông Hoàng Chín ở ngoài biển, tất cả đều được phối hương linh vị ở đền Cờn. Nhân dân gọi ông là ông Chín đền Cờn.

Xem thêm: Quan Hoàng Tám là ai? Thần Tích và Đền Thờ Ngài Ở Đâu

Thần tích khác về Quan Hoàng Chín

“Vào đời vua Hùng thứ 13, Hoàng hậu chỉ sinh hai công chúa chứ chưa có hoàng tử nối ngôi. Quần thần thấy Vua đã già mà chưa có người nối ngôi, bèn tâu hãy lập con trai của thứ phi làm thái tử. Vua đáp “Trẫm vừa nghe hậu nói có thai ,vậy hãy đợi xem sao“. Thứ phi nghe vậy sợ rằng con mình không được lập, âm mưu mua chuộc bà đỡ nhờ bà giết con trai của Hoàng Hậu nếu được sinh ra. Bà đỡ trả lời: “Nghề của tôi là cứu người chứ sao lại giết? Nay tôi có mẹo khác làm đứa bé thành ái nam ái nữ, tất nó không được lập“. Đến kỳ hoàng hậu khai hoa, bà đỡ lén lấy lá trong rừng xoa vào bộ phận sinh dục đứa bé. Nhà Vua tuần thú trở về hỏi hậu sinh trai hay gái ? Kẻ tả hữu đáp: “Sinh trai, nhưng chỗ âm dương không đầy đủ“. Hậu nghe được liền nói: “Ta vốn sinh trai, hình hài rõ ràng, nay lại không đủ, tất là do âm mưu của thứ phi“. Từ đó hậu trở nên cau có gắt gỏng. Vua nổi giận hạ lệnh đẩy mẹ con Hoàng Hậu ra ngoài đảo xa, đến cửa Cờn thì mất.

Ngư dân ngủ đêm ở đấy được thần báo mộng rằng “Ta là vua nước Nam, bị kẻ khác rắp tâm hãm hại. Thượng đế thương mẹ con ta nên đã phong làm thần rồi“.

Dân chài khấn rằng “Như thần có linh thiêng, xin phù hộ cho đánh được nhiều cá, chúng tôi sẽ lập đền thờ“.

Quả như lời, ngư dân liền lập đền thờ. Đền rất linh hiển.

Theo tác giả Tuấn Anh đăng trên trang hatvan.vn: Căn cứ bài thơ đêm ngày 04/12 năm Quý Tỵ ngài đã giáng âm cho Nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng Con người, ngài muốn người đời khi đến khấn ngài thi khấn là THÁI TỬ TRẤN CỬA BIỂN CỜN MÔN. Ngài chính là Hoàng Thái Tử, con vua Hùng thứ 13 bị đầy ra biển Cờn Môn cùng với hai mị nương và Hoàng Hậu tức mẹ của ngài.

Như vậy, theo thần tích này đền Quan Hoàng Chín có từ rất xa xưa, thậm chí hàng ngàn năm trước.

Giá hầu đồng Quan Hoàng Chín

Quan Hoàng Chín thường rất ít khi ngự đồng, thường chỉ có người ăn lộc Hoàng và sát căn duyên hoặc về đền thỉnh ngài thì ngài mới se loan giá ngự. Khi ngự đồng ngài thường mặc áo the màu đen, đầu đội khăn xếp đen kiểu cách giống thầy đồ xưa.

Sau khai quang tấu hương, ngài thong dong đề thơ mạn cảnh, viết chữ và ban phát tài lộc, tọa nghe văn và xe giá.

Giá hầu quan hoàng chín

Tuy nhiên, khi hầu giá Quan Hoàng Chín tại đền Sòng Sơn thì lại bắt buộc mặc áo đỏ the hồng, đầu đội khăn xếp đỏ. Lý do giải thích có việc này được hiểu là Ngài đang theo hầu Mẫu Sòng Sơn tại cung cấm nên phải mặc áo the đỏ để ra mắt Mẫu. Khi đó, người ta cũng gọi ngài với danh Ông Hoàng Chín Sòng Sơn.

Khánh tiệc Quan Hoàng Chín

Ngày tiệc ông Chín Cờn Môn vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Đền thờ Quan Hoàng Chín ở đâu?

Đền chính thờ Quan Hoàng Chín là Đền Cờn, nằm ngoài cửa biển, hiện nay thuộc khu vực đường ra bãi tắm Quỳnh Phương, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Đây là một ngôi đền nổi tiếng, mang đậm dấu ấn lịch sử và tâm linh, được biết đến với tên gọi Đền Cờn Ngoài, trong khi Đền Cờn Trong thờ Tứ Vị Vua Bà.

Đền thờ Quan Hoàng Chín

Đền Cờn Môn được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Trải qua thời gian, ngôi Đền hiện chỉ còn tòa Nghi môn, Chính điện, Trung điện, Hạ điện và tòa ca vũ. Qua cổng Đền vào sân, bước lên 10 bậc đá sẽ tới tòa Nghi môn. Đây là một tòa nhà hình chữ công bề thế, gồm có hai tầng, 8 mái, liền tiếp sau nó là Chính điện, Trung điện và Hạ điện. Toà ca vũ với ba gian chính và hai gian phụ cũng to rộng, bề thế, có đề tài trang trí đa dạng.

Trong khuôn viên Đền Cờn Ngoài, ngay tại cung chính giữa là nơi thờ Quan Hoàng Chín và Quan Hoàng Mười, hai vị thánh trong hệ thống Tứ Phủ Ông Hoàng. Cả hai vị đều có công lao to lớn trong việc bảo vệ dân chúng và đất nước, được người dân kính trọng và thờ phụng.

Hai bên tả hữu của cung chính là nơi thờ Quan Nam Tào và Quan Bắc Đẩu, hai vị quan ghi sổ sinh tử, cai quản số mệnh của con người. Tiếp theo, ở các đầu hồi của đền, du khách sẽ thấy các cung thờ Cậu bé và Cô bé bản đền, những vị thánh nhỏ gắn liền với tín ngưỡng dân gian và tâm linh bản địa.

Gian thứ hai trong đền được dành để thờ Ngũ Vị Tôn Quan, các vị thần có quyền năng bảo hộ và giúp đỡ chúng sinh trong các nghi lễ của đạo Mẫu. Đi sâu vào gian thứ ba là nơi thờ Vua Tống Đế Bính và ba vị tướng trung thành của ông là Lục Tú Phu, Lương Thế Kiệt và Văn Thiên Tường. Sự xuất hiện của các vị vua và tướng này trong đền thể hiện lòng tri ân của người dân đối với những anh hùng lịch sử đã cống hiến cho đất nước.

Cổng vào đền Cơn Môn- Nghệ An

Ngoài Đền Cờn, Quan Hoàng Chín còn được phối thờ tại Đền Mẫu Thoải ở Long Biên, Hà Nội, cùng với các vị thánh của Công Đồng Tứ Phủ, Tứ Vị Vua Bà và Đức Thánh Trần. Điều này cho thấy sự tôn kính dành cho Quan Hoàng Chín không chỉ giới hạn ở một địa phương, mà còn lan rộng khắp nhiều vùng trên cả nước, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ trong tín ngưỡng dân gian.

Bản văn Quan Hoàng Chín

Hương một triện lòng thành kính tiến
Cung thỉnh mời Hoàng Chín Cờn Môn
Cửu trùng ngọc bệ chí tôn
Khâm sai Hoàng Chín Cờn Môn giáng trần.
Trên chín bệ cao thâm võng cực
Dưới bách thần mộ đức kinh luân
Cù lao chín chữ quần thần
Sinh Ông Hoàng Chín võ văn toàn tài.
Văn thơ phú so tài Đỗ – Lý
Võ lược thao cái thế Tôn Ngô
Cung tên bẩm trí giang hồ
Tuổi vừa đôi chín đăng khoa Triều đình.
Nỗi bất bình nhân dân cơ cực
Quyết vì đời ra sức lược thao
Chinh y đã nhuộm máu đào
Mười hai cửa bể sớm chiều xông pha.
Cửa Cờn Môn dựng toà soái lĩnh
Lệnh Hoàng truyền nghiêm chỉnh ba quân
Một lòng vì nước vì dân
Trấn an cửa bể dẹp quân bạo cường.
Quyết mở đường dân an quốc thái
Dựng cơ đồ vạn đại dân sinh
Cho dân được hưởng phúc an lành
Nêu cao khí tiết oai linh để đời.
Nước dẫu cạn công người không cạn
Đá dẫu mòn gương sáng còn soi
Bể Nam thơm mãi muôn đời
Cửa Cờn rộng mở cứu người hữu nhân.
Ngẫm cơ tạo xoay vần sống thác
Tóc xanh rồi đầu bạc sớm mai
Ngẫm câu sinh hóa ở đời
Sinh sao cho đáng nên người mới sinh.
Phật hữu tình từ bi tế độ
Quyết lánh đường có có không không
Dẫu rằng thiên tứ đỉnh chung
Thác rồi không lại hoàn không đó mà.
Chữ tu tỉnh gương nga vằng vặc
Bóng soi người hữu đức hữu nhân
Hay gì đạo tặc tham sân
Nhuộm thơ tam nghiệp nghĩa nhân không còn.
Đức nhân sánh càn khôn vũ trụ
Công ơn người muôn thủa không phai
Nhớ ngày mùng chín, tháng hai
Là ngày sinh Thánh ra đời cứu dân.
Tiết trùng cửu quy thần hạc lánh
Nhớ ơn Người dâng kính hương hoa
Rượu quỳnh rót chén đồ tô
Chúc Hoàng muôn tuổi họa thơ mấy vần.

Văn Quan Hoàng Chín đề thơ

Bút pháp tinh anh tửu nhập thần
Hoa khai quả kết vạn gia xuân
Tay tiên đề bút an Thiên hạ
Trăm họ âu ca cổ Thánh thần.
“Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính thủy vô trần
Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh
Giao vọng Nam thiên ức cố nhân”.
Ngồi tựa khe suối gẩy cung đàn
Chạnh lòng nhớ tới ban tri loan
Tâm thơ Đỗ Phủ hồn theo gió
Gửi khách Tương Như khúc phượng hoàng.
Thế sự cuộc cờ bày lại xóa
Nhân tình cạn chén mượn hơi men
Hỡi ai! Rượu sớm trà chưa tỉnh
Nặng gánh gươm đàn nợ nước non.
Non sông ghi nhớ người anh kiệt
Cờn hải long lanh nước sóng vàng
Chín bệ có hay lòng sắt đá
Ba ngôi đâu tá tiết chiêu dương.
Soi gươm kim cổ lòng man mác
Phú quý vinh hoa giấc mộng vàng.