Trần Quốc Toản là ai?

Nội dung chính [Hiện]

Trần Quốc Toản với tên thường gọi là Hoài Văn Hầu, là một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, để lại dấu ấn không thể nào quên trong hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Với một tâm hồn yêu nước sâu sắc và khao khát tự do, ông đã có những đóng góp xuất sắc và có công lớn trong việc bảo vệ và phát triển đất nước.

Trần Quốc Toản- Hoài Văn Hầu

Hãy cùng chúng tôi khám phá hơn về cuộc đời và công lao của Trần Quốc Toản, người đã gắn liền với một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam, qua bài viết dưới đây.

Tiểu sử Trần Quốc Toản

Trong chính sử không ghi chép rõ về xuất thân của Trần Quốc Toản nên không biết cha mẹ ông là ai, thuộc phân nhánh nào của hoàng tộc nhà Trần. Chỉ viết rằng ông là một tôn thất nhà Trần, sống ở thời kỳ trị vì của Trần Thánh Tông cùng Trần Nhân Tông và ngay từ nhỏ, Trần Quốc Toản đã bộc lộ năng khiếu võ nghệ và lòng quả cảm hơn người, rất ham đọc sách quân sự và có chí lớn.

Vào tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, cùng quan viên bàn kế chống quân Nguyên. Vì còn ít tuổi nên Trần Quốc Toản không được tham dự Hội nghị để bàn việc quân. Hổ thẹn, uất ức, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam trong tay lúc nào không biết.

Không nản lòng, ông đã tập hợp những người thân thuộc và trai tráng trong vùng thành đạo quân hơn 1000 người tự sắm sửa vũ khí, chiến thuyền và cùng nhau ngày đêm luyện võ, tập trận chờ thời cơ đánh giặc. Đội quân trẻ tuổi của Trần Quốc Toản giương cao lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”(phá giặc mạnh, đền ơn vua).

Tiếng vang của Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng được lan truyền khắp mọi nơi. Hưng Đạo Vương khen ngợi và cho Trần Quốc Toản đem quân đến tham gia cuộc duyệt binh lớn ở Thăng Long.

Năm 1285, quân Mông – Nguyên tràn vào nước ta. Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Hoài Văn Hầu xuất hiện trên nhiều mặt trận. Trần Quốc Toản đã trực tiếp chỉ huy đội quân hơn 1000 người sát cánh chiến đấu với quân chủ lực của triều đình góp phần làm nên những chiến thắng vang dội ở Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương. Giặc Mông – Nguyên phải bỏ Thăng Long, chạy về Kinh Bắc (Bắc Ninh) để tìm đường về nước. Trần Quốc Toản được lệnh điều quân đến mai phục chặn đánh địch ở vùng sông Như Nguyệt. Trong trận đánh quyết liệt đó, giặc thua to nhưng không may Trần Quốc Toản đã hy sinh anh dũng khi mới 18 tuổi. Được tin Trần Quốc Toản mất, vua Trần Nhân Tông vô cùng thương tiếc. Nhà vua cho cử hành tang lễ trọng thể, đích thân làm văn tế và truy tặng Trần Quốc Toản tước Hoài Văn Vương.

Ca ngợi về Trần Quốc Toản

Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” ca ngợi về Trần Quốc Toản:

“Quốc Toản là trẻ có tài,
Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung
Thật là một đấng anh hùng,
Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.”

Trần Quốc Toản đã trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí và lòng yêu nước để các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo. Tên của ông được đặt cho nhiều trường Tiểu học, Trung học ở nước ta và một số con đường của các tỉnh, thành phố đặc biệt ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.